Chư Păh: Nhìn lại 3 năm triển khai thực hiện mô hình “Nông hội”
Thực hiện Công văn số 2824-CV/TU, ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn số 09-HD/BDVTU, ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện mô hình“Nông hội” trên địa bàn tỉnh; sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Chư Păh đã ghi nhận được một số kết quả tích cực
.jpg)
Huyện ủy Chư Păh tổ chức Hội nghị Tổng kết 3 năm
thực hiện mô hình “Nông hội” (Ảnh AT)
Nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Nông hội”, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, hội viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ mục đích, yêu cầu, trách nhiệm trong việc triển khai xây dựng mô hình “Nông hội”. Đến nay, toàn huyện Chư Păh đã xây dựng được 5 mô hình Nông hội với tổng số 101 hội viên, gồm: Nông hội sản xuất cà phê sạch” tại xã Nghĩa Hưng, ra mắt và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 13/12/2019; Nông hội Hoa lan tại thị trấn Phú Hòa, ra mắt và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/7/2020; Nông hội cà phê sạch tại thị trấn Ialy, ra mắt và chính thức đi vào hoạt động ngày 26/01/2021, Nông hội sầu riêng tại xã Ia Nhin, ra mắt và chính thức đi vào hoạt động ngày 31/3/2022; Nông hội Lúa 06 tháng tại xã Ia Mơ Nông, ra mắt và chính thức đi vào hoạt động ngày 08/7/2022. Việc thành lập mô hình Nông hội đã xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao được trình độ kỹ thuật canh tác, tiếp cận được hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của địa phương để phát triển sản xuất.
Các Nông hội sau khi được thành lập đã vào hoạt động, sinh hoạt ổn định, thông qua các buổi sinh hoạt các thành viên được cung cấp, trao đổi các kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, sầu riêng, hoa lan, lúa nước theo hướng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần tham gia tích cực vào Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế của địa phương; các "Nông hội" đã tổ chức 39 buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các thành viên; đặc biệt, “Nông hội sản xuất cà phê sạch” tại xã Nghĩa Hưng đã liên kết được với 03 doanh nghiệp (Tập đoàn Nestle; Công ty Mascopex và Công ty Tín Thành Đạt) tổ chức 05 buổi tập huấn chuỗi sản xuất cà phê sạch 4c cho hơn 200 lượt hội viên trên địa bàn xã; Nông hội “Sản xuất cà phê sạch” xã Nghĩa Hưng đã phối hợp với Hội Nông dân xã tham gia chương trình xây dựng giấy chứng nhận sản xuất cà phê sạch bền vững (RA) trên địa bàn xã, dưới sự phối hợp và giúp đỡ của Công ty Cổ phần Tín Thành Đạt; Mascopex thành phố Pleiku và tập đoàn Nestle tỉnh Đăk Lăk đã giúp cho bà con trên địa bàn, cũng như các thành viên trong Nông hội bán 1.200 tấn cà phê với giá cao và cộng thưởng, giấy chứng nhận từ 200 - 300 đồng/kg cà phê. Bên cạnh đó, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 4C và UTZ được duy trì, phát triển. Một số thành viên trong “Nông hội” đã đầu tư máy móc thiết bị, sản xuất cà phê thành phẩm và xây dựng được thương hiệu riêng, cụ thể thành viên Hồ Tiến Đoàn với thương hiệu “Cà phê Nguyên Khang”...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động của các Nông hội cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Nông hội với doanh nghiệp, Hợp tác xã chưa hiệu quả, các sản phẩm của các thành viên Nông hội khó tìm thị trường tiêu thụ, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái với giá cả bấp bênh, lợi nhuận không cao; các Nông hội còn thiếu vốn sản xuất, chưa có điều kiện để đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đầu tư máy móc sản xuất, nhà lồng, nhà lưới; huyện chưa thành lập được mô hình Nông hội về dịch vụ nông nghiệp…
Để đề ra những phương hướng trong thời gian tới nhằm tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả mô hình Nông hội trên địa bàn cũng như định hướng phát triển, nhân rộng các mô hình Nông hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản trên tinh thần tự nguyện của cộng đồng, dân cư, tự lập, tự chủ nhằm nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện mô hình nông hội, đồng chí Nguyễn Quang Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh đã xác định: Trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nhất quán về nguyên tắc tổ chức thực hiện, chỉ thị văn bản pháp lệnh của cấp trên, phải tổ chức thực hiện để sơ kết, tổng kết, đề xuất quan điểm đánh giá những việc làm được, chưa làm được. Nâng cao hơn nữa chất lượng, xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm sạch, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Những nơi chưa vào cuộc phải vào cuộc ngay, những nơi chưa quyết tâm, cán bộ nào chưa quyết tâm phải thực hiện quyết tâm chính trị mình cho nó cao để thực hiện chủ trương chính sách, không đổ cho khách quan, không đổ cho khó khăn. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện tiếp tục ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường và các dịch vụ tư vấn khác; Thực hiện hỗ trợ các thành viên Nông hội tham quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao có cùng đối tượng sản xuất, kinh doanh chủ lực của Nông hội; Hỗ trợ các Nông hội tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Tiến