Lãnh đạo huyện Chư Păh tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai Đề án “thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản” tại huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng
Hiện nay, phát triển nông nghiệp nông thôn kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng đang được quan tâm thực hiện, khuyến khích phát triển và bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực tại một số địa phương trên cả nước. Đây là một trong những hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển bền vững lĩnh vực du lịch tại các khu vực nông thôn. Triển vọng của loại hình này được đánh giá là chủ lực phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Về phía Trung ương, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 82 /NQ/CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng nêu rõ “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, việc phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn đã được Tỉnh uỷ Gia Lai định hướng tại Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 657/KH-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh Gia Lai về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025.
Về phía huyện Chư Păh, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Đề án số 01-ĐA/HU ngày 27/4/2021 về đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Chư Păh, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, đưa ra giải pháp tập trung phát triển các loại hình du lịch theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường như: du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai có tổng diện tích đất nông nghiệp 85.175,9ha, chiếm 87,9.% diện tích đất tự nhiên của huyện, với địa hình núi non hùng vĩ, sông suối phân bố đều, đất đỏ bazan phì nhiêu nên rất thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, chè, các loại cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản. Thực trạng và tiềm năng này rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp. Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là giới thiệu, quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam giàu bản sắc văn hoá, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, mến khách. Đó là tăng tính cấu kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê. Đó là tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn, hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về, đáng tìm đến.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó chủ yếu liên quan đến việc xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp và việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các công trình kiên cố như: Nhà vệ sinh, khu vui chơi, giải trí, ăn uống,.... Nếu không xây dựng các công trình, vật kiến trúc này sẽ không đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Và trong thời gian gần đây, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ý kiến đề nghị huyện tạo điều kiện cho thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch. Tuy nhiên, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền về du lịch trên đất nông nghiệp nên UBND huyện Chư Păh chưa thể tiếp nhận, giải quyết các đề nghị này.
Qua tìm hiểu, được biết UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 15/2/2022 về phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Và qua đánh giá sơ bộ, Đề án thí điểm đã mang lại nhiều kết quả: Giải quyết được nguyện vọng chính đáng của người dân là tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân, giúp các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ, đến trực tiếp với người tiêu dùng,…
Nhằm có thêm những thông tin và kinh nghiệm về Đề án này, ngày 04/8/2023, Lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Chư Păh đã tổ chức tham quan, họp tập kinh nghiệm tại huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Đoàn công tác có sự tham gia của đồng chí Trần Minh Sơn-Bí thư Huyện uỷ Chư Păh, đồng chí Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện uỷ-Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Hồ Thị Thảo-UVBTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện, cùng một số Thủ trưởng các phòng chuyên môn có liên quan.
Tại buổi làm việc, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với Đoàn công tác của huyện, ông Tô Văn Hùng-Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang, cùng các đồng chí Lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn của huyện Hoà Vang đã thẳng thắn có những chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, triển khai Đề án.
.jpg)
Ông Tô Văn Hùng-Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang phát biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, triển khai Đề án.
Sau những lới phát biểu chia sẻ thẳng thắng của Lãnh đạo huyện Hoà Vang, ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện uỷ-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh thay mặt Lãnh đạo huyện Chư Păh đã cảm ơn những chia sẻ quý báu mà Lãnh đạo huyện Hoà Vang và hy vọng rằng với những chia sẻ ấy, cùng sự quan tâm của các Sở, ngành, UBND tỉnh Gia lai thì Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cũng sẽ sớm được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện nay.
.jpg)
Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện uỷ-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh phát biểu cảm ơn chia sẻ kinh nghiệm của huyện Hoà Vang.
Và để cảm ơn những tình cảm mà Lãnh đạo huyện Hoà Vang đã giành cho huyện Chư Păh cũng như để giới thiệu, quảng bá về cảnh quan, thiên nhiên của huyện Chư Păh, tập thể Lãnh đạo huyện Chư Păh đã trân trọng tặng bức tranh ”Núi lửa Chư Đang Ya” đến với Lãnh đạo huyện Hoà Vang.
.jpg)
Tập thể Lãnh đạo huyện Chư Păh tặng bức tranh giới thiệu địa danh ”Núi lửa Chư Đang Ya” đến với Lãnh đạo huyện Hoà Vang.
Kết thúc buổi làm việc tại Trụ sở huyện Hoà Vang, Đoàn công tác của huyện Chư Păh tiếp tục đi thực tế tại mô hình trang trại được triển khai thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoà Vang để có góc nhìn toàn diện nhất về Đề án này.
.jpg)
Cổng khu vườn được dựng bằng gỗ, trồng hoa để tạo cảnh quan, điểm nhấn cho khu vườn và cho du khách chụp hình
.jpg)
Trong khu vườn có chuồng nuôi các con vật, vừa thu hoạch các sản phẩm như: thịt, trứng,.. vừa để cho du khách chụp hình tham quan.
.jpg)
Một số vị trí được lắp một vài trò chơi dân gian để các em học sinh vui chơi trải nghiệm.
.jpg)
Khu ăn uống cũng được làm bằng các vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường để du khách có thể thưởng thức những món ăn được chế biến bằng các nguyên liệu của khu vườn tạo ra
.jpg)
Và khu lều trại được lắp dựng trên các vị trí đất dốc khó canh tác, có thể tháo lắp bất cứ lúc nào để phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm cắm trại.
Qua trao đổi và đánh giá trực quan thì Đề án “Thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản” tại huyện Hoà Vang được triển khai tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân và trải nghiệm thực tế cho các em học sinh; không thay đổi mục đích sử dụng đất, kết cấu đất sản xuất; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng.
Đề án này nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai trên địa bàn huyện Chư Păh thì trước mắt sẽ là một giải pháp giải quyết được những nguyện vọng chính đáng của nhân dân về tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp tại huyện Chư Păh nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung hiện nay. Về lâu dài sẽ là một trong những cơ sở để có những điều chỉnh các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương được chính phủ quan tâm, định hướng hiện nay./.
Kim Cường